Những truyền thuyết
Có rất nhiều câu chuyện đáng nghi vấn về nguồn gốc của rượu vang. Kinh Thánh nói rằng Noah và con trai của ông đã làm rượu vang trên núi Ararat.
Một câu chuyện liên quan đến vị vua Ba Tư truyền thuyết là Jamshid và hậu cung của ông. Theo truyền thuyết, vua đã trục xuất một trong các bà vợ của mình ra khỏi vương quốc, khiến cô trở nên chán nản và muốn tự tử. Cô đi đến nhà kho của vua, cô tìm thấy một cái bình có đánh dấu "thuốc độc" trên đó, trong bình đó có chứa nho thừa đã bị hỏng và cô nghĩ nó sẽ không uống được. Nhưng cô không biết, nho "hỏng" thực sự là kết quả của quá trình lên men biến nho thành rượu nhờ nấm men. Sau khi uống thứ nước nho bị gọi là thuốc độc, cô đã phát hiện ra tác dụng của nó, nó giúp cô dễ chịu và tinh thần của cô phấn chấn hơn. Cô dâng khám phá của mình cho nhà vua, ngay lập tức nhà vua đã say mê với đồ uống "rượu vang" mới, ông chấp nhận để cô quay trở lại hậu cung và ra lệnh tất cả nho trồng ở Persepolis sẽ được dùng để làm rượu. Trong khi hầu hết các sử gia rượu vang xem câu truyện này chỉ đơn thuần là truyền thuyết, nhưng cũng có bằng chứng khảo cổ cho thấy rượu vang đã được biết đến và buôn bán rộng rãi vào thời các vị vua Ba Tư đầu tiên.
Lịch sử ban đầu

Thông qua một dự án lập bản đồ gen rộng rãi vào năm 2006, tiến sĩ Patrick McGovern và đồng nghiệp đã phân tích hơn 110 loại nho hiện đại, và ông đã thu hẹp để xác định nguồn gốc của chúng bắt nguồn từ một vùng ở Gruzia. Ngoài ra, axit tartaric đã được đội của McGovern tìm thấy trong các lọ gốm cổ tại Bảo tàng đại học Pennsylvania. Các di tích gồm những lọ gốm cổ từ các địa điểm khai quật thời đại đồ đá mới ở Shulaveri thuộc Gruzia ngày nay (khoảng 6000 năm TCN), Haji Firuz Tepe ở dãy núi Zagros thuộc Iran ngày nay (5400–5000 năm TCN), và từ Late Uruk (3500–3100 năm TCN) ở Uruk, Lưỡng Hà. Những xác định dựa trên việc tìm kiếm axit tartaric và muối tartrate bằng cách dùng một dạng quang phổ hồng ngoại (FT-IR). Một số nhà sinh hóa rất quan tâm tới những xác định này, họ đưa ra những nhận xét thận trọng do khả năng xác định sai khá cao, đặc biệt là các hỗn hợp phức tạp của vật liệu hữu cơ và các sản phẩm thoái hóa có thể có mặt trong các mẫu thử. Những xác định kiểu này chưa được nhân rộng ra các phòng phí nghiệm khác.

Lịch sử rượu vang ban đầu ít được biết đến. Có lẽ rằng những nông dân và những người cắt cỏ là những người đầu tiên làm ra đồ uống có cồn từ trái cây dại, gồm các loại nho dại thuộc loài Vitis silvestris, tổ tiên của các loại nho làm rượu vang ngày nay. Việc làm rượu vang đã trở nên dễ dàng hơn khi đồ gốm được phát triển vào cuối thời kỳ đồ đá mới ở vùng Cận Đông vào khoảng 9000 năm trước. Tuy nhiên các loại nho dại lại nhỏ và chua, tại các địa điểm khảo cổ thường tương đối hiếm khi tìm thấy chúng. Như vậy có thể thấy rằng không có cơ sở của nghề làm rượu vang.
Trong cuốn sách của mình có tựa đề Ancient Wine: The Search for the Origins of Viniculture (tạm dịch Rượu vang cổ: Tìm kiếm nguồn gốc của nghề trồng nho, Princeton: Princeton University Press, 2003), McGovern lập luận rằng việc thuần hóa nho làm rượu vang Á- u và việc làm rượu có thể có nguồn gốc từ lãnh thổ ngày nay là Gruzia và lan truyền xuống phía nam từ đó.
Các xưởng làm rượu vang cổ nhất được biết đến nằm ở hang "Areni-1" thuộc tỉnh Vayots Dzor, Armenia. Các nhà khảo cổ học đã công bố phát hiện về xưởng làm rượu vang này vào tháng 1 năm 2011, bảy tháng sau khi xưởng giày da thuộc cổ nhất thế giới (xưởng giày Areni-1) được phát hiện trong cùng một hang động. Trong xưởng làm rượu vang trên 6 nghìn năm tuổi, người ta phát hiện mộ máy ép rượu vang, thùng, lọ lên men và ly. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hạt nho và cây nho thuộc loài Vitis vinifera. Patrick McGovern nhận xét về tầm quan trọng của phát hiện này đã phát biểu: "thực tế rằng việc làm rượu vang đã được phát triển rất tốt vào 4000 năm TCN cho thấy công nghệ này có thể lâu đời hơn nữa."
Các giống nho thuần hóa khá phong phú ở Cận Đông khi thời kỳ đồ đồng sớm bắt đầu, vào khoảng 32000 năm TCN. Ngoài ra còn có bằng chứng rõ ràng khác về việc làm rượu vang ở Sumer và Ai Cập vào thiên niên kỷ thứ 3 TCN. Người Trung Quốc thời cổ đại làm rượu vang từ "các loại nho núi" dại như Vitis thunbergii[15] trong một thời gian, cho đến khi họ mang các hạt giống nho thuần hóa vào Trung Quốc từ Trung Á trong thế kỷ 2. Cây nho cũng đồng thời là một thực phẩm quan trọng.
Hiện nay việc xác định rượu vang được làm đầu tiên chính xác ở đâu hiện vẫn chưa rõ ràng. Có thể là bất kỳ đâu trong một khu vực rộng lớn trải dài từ Bắc Phi đến Trung/Nam Á, những nơi có nho dại phát triển. Tuy nhiên việc sản xuất rượu vang quy mô lớn đầu tiên phải ở trong vùng nơi nho được thuần hóa đầu tiên, đó là ở miền nam Kavkaz và Cận Đông. Nho dại phát triển ở Gruzia, miền bắc Levant, đông nam và ven biển Thổ Nhĩ Kỳ, miền bắc Iran hoặc Armenia. Trong những địa danh trên vẫn chưa xác định được chính xác nơi làm rượu vang đầu tiên.